Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Sữa cao cấp được làm từ nguyên liệu Trung Quốc và vỏ ve chai

Gần đây, lực lượng chức năng đã triệt phá được hàng loạt cơ sở sản xuất sữa giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng dành cho phụ nữ mang thai và trẻ em.
Thời gian vừa qua, rất nhiều vụ phát hiện sữa giả, sữa nhái khiến cơ quan quản lý đau đầu còn người tiêu dùng hết sức lo lắng. Sữa giả, sữa nhái được phát hiện từ sữa nội đến sữa ngoại.
Điều nguy hiểm hơn là việc các mặt hàng sữa này xuất hiện tràn lan sẽ làm hỗn loạn thị trường sữa và người tiêu dùng chính là người gánh chịu hậu quả đầu tiên. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà mẹ đang mang thai và trẻ nhỏ.
Qua kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng đã bắt quả tang rất nhiều cơ sở sản xuất sữa bột giả. Theo đó,  ngày 21-3 mới đây, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CAQ 10, TP.HCM đã triệt phá được một cơ sở sản xuất sữa giả nhái các nhãn hiệu nổi tiếng dành cho phụ nữ có thai và trẻ em. 
Đối tượng Hồ Bảo Sơn cùng tang vật bị tạm giữ tại CAQ 10. Ảnh: Anninhthudo.vn
Sau quá trình dài theo dõi, vào khoảng 10h ngày 20-3, lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng Phan Văn Chánh (SN 1995, trú quận 8) đang giao 36 lon sữa giả hiệu Ensure Gold cho một cửa hàng cùng chiếc xe máy BKS 62R2-5523. Chánh khai lấy hàng từ một cơ sở trên đường Nhật Tảo rồi đem đi giao.
Từ lời khai của Chánh, cơ quan công an đã khám xét nhà ông Hồ Bảo Sơn (SN 1953), địa chỉ tại số 58, đường Nhật Tảo (phường 4, quận 10), thu giữ nhiều máy móc, dụng cụ, vỏ hộp sữa, nguyên vật liệu,… để sản xuất sữa giả cùng hàng chục lon sữa thành phẩm giả nhãn hiệu nổi tiếng như Ensure Gold, Glucerna, Ensure Grow.... Tại Cơ quan Công an, ông Sơn khai nhận mua sữa rẻ tiền trôi nổi trên thị trường và thu gom lon sữa cũ ở các vựa ve chai mang về pha chế, rồi đóng gói mang bán cho các đại lý bán sữa kiếm lời.
 
Những hộp sữa giả bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Anninhthudo.vn
 Năm 2012 ông Sơn đã từng bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 3 năm tù giam về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm”. Ra tù chưa lâu, ông Sơn tiếp tục quay lại sản xuất sữa giả.
Trước đó, trong tháng 4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TP.HCM kiểm tra và bắt quả tang tại một cơ sở ở phường 16, quận 11 đang tổ chức đóng lon sữa bột giả nhãn hiệu Friso và Abbott. Đối tượng vi phạm đã mua sữa bột giá rẻ, gom lon sữa đã qua sử dụng tại các vựa ve chai với giá 2.000 đồng/lon rồi đổ sữa giá rẻ vào đóng hộp, dán tem Abbott cung cấp cho các cửa hàng ở TP.HCM với giá 650.000 đồng/hộp 1kg.
Không chỉ bị làm giả, các thương hiệu sữa lớn còn bị làm nhái. Ví dụ như khi một sản phẩm sữa bán chạy trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng là ngay lập tức trên thị trường xuất hiện hàng nhái với việc thêm 1-2 chữ vào bao bì nhãn sản phẩm nhằm che mắt người tiêu dùng.
Không chỉ chế biến sữa bột thành hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng mà vì lợi nhuận, một số chủ cơ sở còn nhập sữa bột từ Trung Quốc, có những hộp sữa đã hết hạn sử dụng.
Ngày 28/6, Đội CSĐT về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM đã phát hiện số lượng lớn sữa bột được sản xuất từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc nhập từ Trung Quốc.
Theo tài liệu điều tra, rạng sáng 26/6, Công an kinh tế huyện Bình Chánh phối hợp cùng công an địa phương bất ngờ kiểm tra căn nhà không số tại tổ 7 ấp 2A, xã Vĩnh Lộc A.
Tại đây, ngoài máy móc dùng cho việc đóng lon, hộp, dán nhãn mác công an phát hiện 1156 lon và hộp sữa các hiệu Pigo, Physogrow, Gina Milk không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều lon đã hết hạn sử dụng.
Sửa rởm Trung Quốc gắn mác ngoại "cao cấp". Ảnh: Giaoducvietnam.vn
Sau quá trình đấu tranh khai thác, Phước thừa nhận còn một kho chứa hàng khác tại nhà không số thuộc tổ 15 ấp 6B, xã Vĩnh Lộc A. Kiểm tra, công an thu giữ thêm 642 lon sữa đã được đóng thành phẩm, trên nhãn in hiệu Pigo, Physogrow, Gina Milk.
Đáng lo ngại là các loại sữa trên nhắm đến khách tiêu thụ là phụ nữ mang thai, người già, trẻ em, người gầy... Công an nghi vấn những loại sữa này có thành phần không như trên nhãn mác, quảng cáo và có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Nhiều tấn sửa "rởm" này đã tuồn ra thị trường. Ảnh: Giaoducvietnam.vn
Quy trình sản xuất sữa bột cao cấp của Phước là trộn đường lạt, đường hóa học, bột sữa, bột béo mua từ Công ty Đông Phương. Tiếp theo, tùy theo mỗi loại mà bỏ thêm hương sữa vào, rồi cho vào máy trộn trước khi đóng lon, hộp, dán nhãn mác được đặt in sẵn. Mỗi tháng cơ sở của Phước bán khoảng 2 tấn sữa bột các loại ra thị trường.
Phước khai nhãn hiệu sữa Pigo đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền, còn các loại còn lại đang trong thời gian chờ chứng nhận. Đáng nói là Phương sản xuất sữa bột cho nhiều đối tượng khách hàng như người gầy, tăng trưởng chiều cao, người già, trẻ em, biếng ăn… nhưng đều áp dụng công thức chung như trên.
Sau nhiều vụ làm sữa giả bị phát hiện, nhiều người dân (đặc biệt là các bà bầu) càng hoang mang khi mua sữa cho con . Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mặc dù giá sữa liên tục tăng cao trong những năm gần đây nhưng chất lượng sữa bày bán trên thị trường vẫn xuất hiện tình trạng làm giả, làm nhái các nhãn hiệu sữa nổi tiếng một cách tinh vi.
Trước tình trạng này, để tránh chọn nhầm hàng giả, hàng nhái, người tiêu dùng cần kiểm tra bao bì sản phẩm, các sản phẩm mua phải xem hạn sử dụng không bị tẩy xóa hoặc in chồng lên nhau, vỏ hộp nguyên vẹn, không bị móp méo, các hình ảnh và thông tin phải đầy đủ, sắc nét, rõ ràng và chính xác. Sữa bột chất lượng phải tơi, không vón cục, không dấu hiệu lạ về màu sắc, mùi vị... Ngoài ra, quan trọng nhất là người tiêu dùng nên mua hàng chính hãng, có địa chỉ nhà sản xuất, nhà phân phối rõ ràng và mua hàng tại các địa chỉ tin cậy.

Sữa cao cấp được làm từ nguyên liệu Trung Quốc và vỏ ve chai Rating: 4.5 Diposkan Oleh: bongda

0 nhận xét:

Đăng nhận xét